Hội nghị “Đào tạo luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và kết nối mạng lưới cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”

Đăng vào 22/07/2020

I. Hội nghị “Đào tạo luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và kết nối mạng lưới cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”

Hội nghị “Đào tạo luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và kết nối mạng lưới cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam” được tổ chức ngày 21 tháng 9 năm 2019, tại FLC Quy Nhơn (Bình Định) trên cơ sở sáng kiến đề xuất của Trường Đại học Luật Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của gần 100 đại biểu, đến từ hơn 60 cơ sở đào tạo luật trong cả nước, đặc biệt TS. Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tới tham dự Hội nghị. Tại Hội nghị, diễn ra hai hoạt động chính:

- Hội thảo “Đào tạo luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và kết nối mạng lưới cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam” .

- Tổ chức Diễn đàn “Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”    

1. Hội thảo “Đào tạo luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và kết nối mạng lưới cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận được trình bày liên quan đến bốn nhóm vấn đề: (i) Đổi mới tư duy trong đào tạo pháp luật ở Việt Nam; (ii) Tổ chức, xây dựng phát triển chương trình đào tạo; (iii) Kiểm định chất lượng đào tạo; và (iv) Hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nội dung Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự. Trên cơ sở phân tích thực trạng của công tác đào tạo luật ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, gần 20 lượt tham luận, ý kiến trao đổi đều đi đến thống nhất:

- Thứ nhất, đổi mới tư duy trong đào tạo luật là hết sức cần thiết hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo luật, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đất nước trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế. Đổi mới tư duy trong đào tạo luật được tiếp cận cả từ góc độ quản lý của các cơ quan Nhà nước và từ góc độ của các cơ sở đào tạo luật trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển các cơ sở đào tạo luật trên phạm vi cả nước; hoàn thiện chương trình đào tạo theo chiều sâu, tăng tính thực tiễn; tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật; quản trị đại học theo mô hình hiện đại; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học…         

- Thứ hai, chương trình đào tạo là một trong yếu tố mang tính quyết định đến chất lượng của các cơ sở đào tạo. Đổi mới chương trình đào tạo phải gắn với công tác phân tích, dự báo trong thiết kế môn học. Khi thiết kế chương trình phải đảm bảo điều kiện cho người học tương tác với thực tiễn công việc và gắn với nhu cầu xã hội. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, kiến thức cập nhật hướng tới phát triển các kỹ năng phù hợp với CMCN 4.0, phát triển tư duy hệ thống và liên ngành.

- Thứ ba, công tác kiểm định chất lượng đào tạo cần được sự quan tâm hơn nữa của các cơ sở đào tạo luật. Trong bối cảnh hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo luật, công tác kiểm định chất lượng đào tạo đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm định, các cơ sở đào tạo luật cần chia sẻ thông tin và kinh nghiệm đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời nghiên cứu định hướng xây dựng Bộ tiêu chuẩn kiểm định riêng cho các chương trình đào tạo khối ngành luật trên cơ sở quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thứ tư, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế tiến tới quốc tế hoá trường đại học đã trở thành xu hướng rõ rệt trong chiến lược xây dựng và phát triển của các trường đại học trên thế giới và ở Việt Nam. Các cơ sở đào tạo luật cần có định hướng cụ thể phát triển hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển cơ sở đào tạo, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.     

Tham dự Hội thảo, với tư cách đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng tán thành với đa số các ý kiến đưa ra. Trên cơ sở các số liệu tin cậy, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng nhu cầu đào tạo về pháp luật ở Việt Nam còn rất nhiều. Tuy nhiên, việc hình thành các cơ sở đào tạo luật mới cần được triển khai trong kế hoạch tổng thể mạng lưới các trường đại học và phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo. TS. Nguyễn Thị Kim Phụng hoàn toàn ủng hộ sự ra đời của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Hoạt động của Mạng lưới trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu tăng cường sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo vì lợi ích chung của các bên; tư vấn chính sách cho cơ quan quản lý Nhà nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo...    

2. Tổ chức Diễn đàn “Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”   

Tại Diễn đàn, các cơ sở đào tạo đã thảo luận các nội dung xoay quanh các vấn đề:

- Sự cần thiết và mục đích hoạt động của Mạng lưới: Mạng lưới được thành lập nhằm tạo diễn đàn để các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam trao đổi các vấn đề cùng quan tâm về đào tạo và nghiên cứu luật học, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các cơ sở đào tạo hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

- Thành viên của Mạng lưới: Mạng lưới hoan nghênh sự tham gia của tất cả các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam bao gồm các trường đại học luật, khoa luật của các đại học, học viện, trường đại học và các cơ sở đào tạo đại học khác có giảng dạy, nghiên cứu về luật học.

- Ban điều hành Mạng lưới: Gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và Ban thư ký giúp việc. Chủ tịch và các Phó chủ tịch do Hội nghị thường niên của Mạng lưới bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm. Ban thư ký của Mạng lưới gồm 3 dến 5 thành viên đại diện cho cơ sở đào tạo luật là thành viên của Mạng lưới do Chủ tịch lựa chọn và quyết định thành lập.   

- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mạng lưới: Mạng lưới tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Hoạt động của Mạng lưới được thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định chung của pháp luật và quy định riêng của Mạng lưới

- Quyền và nghĩa vụ của thành viên Mạng lưới: Thành viên của Mạng lưới có quyền được cử đại diện tham gia các hoạt động do Mạng lưới tổ chức; đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, hoạt động của Mạng lưới và phát huy vai trò của Mạng lưới trong việc thúc đẩy hợp tác, gắn kết các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Thành viên của Mạng lưới cam kết tuân thủ các quy định chung của pháp luật và quy định của Mạng lưới trong hoạt động, đóng phí thường niên để phục vụ cho hoạt động chung của Mạng lưới. Mức phí thành viên thường niên do các thành viên Mạng lưới quyết định tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới

- Hình thức hoạt động của Mạng lưới: Mạng lưới hoạt động thông qua các Hội nghị thường niên được tổ chức hàng năm, hội nghị, hội thảo khoa học. Thông tin về điều hành và hoạt động của Mạng lưới được công khai trên website của Mạng lưới.      

Trên cơ sở sáng kiến đề xuất của Trường Đại học Luật Hà Nội và kết quả thảo luận, trao đổi, đại diện của các cơ sở đào tạo luật đã nhất trí thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Hơn 30 cơ sở đào tạo luật đã trực tiếp đăng ký tham gia Mạng lưới ngay tại Diễn đàn. Các cơ sở đào tạo luật khác cũng cam kết sẽ nghiêm túc xem xét và sớm đăng ký tham gia. Ban điều hành Mạng lưới cũng đã được bầu ra với đại diện đến từ 5 cơ sở đào tạo luật là Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật – Đại học Huế, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế  Luật – Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội là trưởng ban điều hành, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh Trưởng khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Đoàn Đức Lương Hiệu trưởng Trường Đại học Luật – Đại học Huế, PGS.TS. Lê Vũ Nam Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế  Luật – Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh). Ban điều hành Mạng lưới sẽ đóng vai trò đầu tầu, dẫn dắt hoạt động của Mạng lưới.

II. Hoạt động của Mạng lưới sau Hội nghị “Đào tạo luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và kết nối mạng lưới cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”

- Tiếp nhận đề nghị xin tham gia Mạng lưới của các cơ sở đào tạo luật. Tính đến tháng 11 năm 2019, đã có 42/85 cơ sở đào tạo luật chính thức đề nghị tham gia Mạng lưới. Trong thời gian tới, Ban Thư ký sẽ tiếp tục gửi Công văn tới các cơ sở đào tạo để giới thiệu về Mạng lưới nhằm thu hút sự tham gia đông đảo của các cơ sở đào tạo luật.

- Tiếp tục hoàn thiện các Quy chế, Điều lệ làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động cụ thể của Mạng lưới trong thời gian tới

- Lên ý tưởng thiết kế Logo và xây dựng website riêng của Mạng lưới

- Xây dựng Chương trình hoạt động của Mạng lưới năm 2020 và các năm tiếp theo để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các thành viên Mạng lưới trước khi triển khai thực hiện trên thực tế.

Kết quả của Hội nghị “Đào tạo luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và kết nối mạng lưới cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam” với sự ra đời của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò của Ban điều hành Mạng lưới. Hoạt động của Mạng lưới trong thời gian tới sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo luật đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh mới.


Tin khác