Ngày 12/10/2022 Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn” nằm trong dự án Dự án "Chương trình tập huấn và trợ giúp pháp lý cho đối tượng người dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng và sống phụ thuộc vào rừng tại địa bàn huyện Cần Giờ, TP. HCM"
Toàn cảnh hội thảo “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của Bà Phan Bình Minh - Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM; TS. Phạm Quang Tú - Nhóm trưởng, Ban Thư ký Quỹ JIFF, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam; TS. Huỳnh Đức Hoàn - Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ; Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện Cần Giờ; Bà Nguyễn Minh Huệ - Hiệu trưởng, trường TH Cần Thạnh, huyện Cần Giờ; Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Hiệu trưởng trường TH Cần Thạnh 2, huyện Cần Giờ; TS Trương Văn Vinh - Phó trưởng Khoa Lâm nghiệp, trường ĐH Nông Lâm, TP.HCM - Cố vấn dự án; TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM; TS. Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. HCM; Ông Tăng Phương Giản - Đại diện chương trình Mekong delta, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN); PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Cố vấn cao cấp, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh Trường ĐH Kinh tế - Luật; TS. Đào Gia Phúc – Viện trưởng, Viện Pháp luật quốc tế và So sánh Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Đại biểu tập trung nghiên cứu kỷ yếu hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó hiệu trưởng UEL cho rằng hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chức năng phòng hộ, bảo vệ đời sống và sinh kế cho người dân vùng ven biển. Do vậy, để rừng ngập mặn có thể là một phần của nền kinh tế, bên cạnh các giá trị xã hội và môi trường vốn có từ lâu của rừng, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều bên, từ các nhà hoạch định chính sách, cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý, chủ rừng đến các bên liên quan thụ hưởng lợi ích hay sống phụ thuộc vào rừng, bao gồm cả các doanh nghiệp lẫn những người thu nhập thấp; từ đó đặt ra các thách thức đối với chính sách, pháp luật và thực tiễn được triển khai để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
PGS.TS Lê Vũ Nam cũng hy vọng rằng hội thảo sẽ là một diễn đàn cởi mở, với những thảo luận, trao đổi giữa giới học thuật, nhà hoạch định chính sách, quản lý cũng như người dân người dân trực tiếp hưởng lợi từ cánh rừng ngập mặn, góp phần đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách, pháp luật đóng góp vào hoạt động bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn.
Hội thảo “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn” là sự kiện trong khuôn khổ của Dự án "Chương trình tập huấn và trợ giúp pháp lý cho đối tượng người dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng và sống phụ thuộc vào rừng tại địa bàn huyện Cần Giờ, TP. HCM" do Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF, gọi tắt là Quỹ JIFF) tài trợ và được Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) tổ chức triển khai.
Dự án "Chương trình tập huấn và trợ giúp pháp lý cho đối tượng người dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng và sống phụ thuộc vào rừng tại địa bàn huyện Cần Giờ, TP. HCM" do Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF, gọi tắt là Quỹ JIFF) tài trợ và là một trong hai hợp phần của dự án “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm góp phần tăng cường xây dựng pháp quyền ở Việt Nam thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận, Bộ Tư Pháp làm cơ quan chủ quản.
Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ rừng gắn liền với phát triển sinh kế đến với 1548 người dân thuộc 03 nhóm đối tượng dân cư là hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng, hộ nghèo sống phụ thuộc vào rừng và trẻ em trên địa bàn huyện Cần Giờ, TP.HCM. Thực hiện mục tiêu đó, dự án tiến hành ba hoạt động chính:
Thứ nhất, dự án tổ chức 18 lần tập huấn, các đợt tập huấn cho người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng tại các Phân khu thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, các hộ nghèo sống phụ thuộc vào rừng tại xã Lý Nhơn, xã đảo Thạnh An, xã An Thới Đông và xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ và các em học sinh tại các trường tiểu học trung học trên địa bàn huyện Cần Giờ, Tp. HCM.
Thứ hai, dự án phát triển 01 ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các hộ dân được giao bảo vệ rừng.
Thứ ba, dự án tổ chức 01 hội thảo khoa học với sự tham gia của các bên liên quan trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật, nghiên cứu chính sách, và người dân vào ngày 12/10/2022 với chủ đề “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”.
Hội thảo bao gồm 02 phiên (phiên toàn thể và các phiên chuyên đề) với hơn 20 bài tham luận xoay quanh các vấn đề giới thiệu tổng quan về hệ sinh thái rừng ngập mặn; chính sách và pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn; con người và rừng ngập mặn. Đây cũng là một hoạt động tổng kết cho các giá trị, kết quả đạt được của toàn chuỗi dự án trong suốt 12 tháng triển khai.
Các đại biểu thảo luận các vấn đề trình bày tại Hội thảo
Phát biểu bế mạc chương trình, TS. Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật quốc tế và So sánh cảm ơn sự tham gia của các đại biểu, khách mời, diễn giả và những người dân tại huyện Cần Giờ đã góp phần vào sự thành công của chương trình hội thảo ngày hôm nay. Ban tổ chức sẽ tổng hợp lại các khuyến nghị về mặt chính sách, pháp luật tại hội thảo để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm đóng góp vào hoạt động bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn trong thời gian tới.
TS. Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật quốc tế và So sánh phát biểu bế mạc hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm