Quy định về tổ chức và hoạt động của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam

Đăng vào 10/07/2020

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI

CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO LUẬT Ở VIỆT NAM

 

Điều 1.Tên gọi và biểu tượng

1. Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam (sau đây gọi tắt là Mạng lưới)  là tổ chức tự nguyện của các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam để kết nối, thúc đẩy trao đổi, hợp tác hướng đến mục tiêu cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

2. Tên tiếng Việt: Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam

3. Tên tiếng Anh: Vietnamese Law School Network viết tắt là VLSN.

4. Biểu tượng của Mạng lưới:

 

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Mạng lưới được hình thành nhằm tạo diễn đàn để các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam trao đổi các vấn đề cùng quan tâm về đào tạo, nghiên cứu luật học, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các cơ sở đào tạo luật, đề xuất, kiến nghị chính sách, pháp luật đặc biệt là những chính sách, pháp luật liên quan đến đào tạo luật và thực hành nghề luật.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

1. Mạng lưới được tổ chức và hoạt động trên cơ sở tuân thủ pháp luật và các quy định của Mạng lưới, tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên Mạng lưới.

2. Các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mạng lưới được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số thành viên tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới. Trong trường hợp cần thiết, Mạng lưới có thể xem xét và ủy quyền cho Ban điều hành Mạng lưới quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mạng lưới trong thời gian giữa hai kỳ Hội nghị thường niên của Mạng lưới.

 

 

Điều 4. Thành viên

1. Mạng lưới hoan nghênh sự tham gia của tất cả các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam trực tiếp thực hiện chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân luật hoặc/và thạc sĩ luật học hoặc/và tiến sĩ luật học, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn trong các Trường Đại học Luật, các Trường Đại học Luật hoặc Khoa Luật trực thuộc các Đại học, các Khoa Luật trực thuộc các Học viện và Trường Đại học, và các cơ sở đào tạo đại học khác có ngành hoặc chuyên ngành luật trong chương trình đào tạo.

2. Các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đăng ký tham gia Mạng lưới với tư cách là thành viên bằng phiếu đăng ký tham gia (theo mẫu được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Mạng lưới) thể hiện rõ thiện chí tự nguyện tham gia Mạng lưới của mình và gửi về Ban điều hành Mạng lưới (bản scan có dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật) theo địa chỉ email: bandieuhanh@vlsn.edu.vn. Căn cứ vào việc đăng ký tham gia Mạng lưới, Ban hành điều hành Mạng lưới xem xét và quyết định công nhận tư cách thành viên Mạng lưới của cơ sở đào tạo luật trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu đăng ký hợp lệ.

3. Thành viên Mạng lưới có thể xin ra khỏi Mạng lưới vào bất cứ thời điểm nào bằng cách gửi đơn đến Ban hành điều hành Mạng lưới thể hiện rõ nguyện vọng không tiếp tục tham gia Mạng lưới của mình. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản, Ban Điều hành Mạng lưới xem xét và quyết định cho thành viên đó rút khỏi Mạng lưới.

4. Tư cách thành viên Mạng lưới của cơ sở đào tạo luật có thể bị chấm dứt nếu cơ sở đào tạo luật đó vi phạm nghiêm trọng các quy định về nghĩa vụ thành viên. Việc chấm dứt tư cách thành viên Mạng lưới của cơ sở đào tạo luật trong trường hợp này được xem xét và quyết định tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới.

Điều 5. Quyền của thành viên

Thành viên Mạng lưới có các quyền sau đây:

  1. Cử đại diện tham gia các hoạt động do Mạng lưới tổ chức.

2. Đề xuất các sáng kiến, đóng góp ý kiến với Mạng lưới để hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, hoạt động của Mạng lưới và phát huy vai trò của Mạng lưới trong việc thúc đẩy hợp tác, gắn kết các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam với nhau và với các đối tác khác ở trong và ngoài nước.

3. Được Mạng lưới hỗ trợ để tham gia vào chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên, liên kết đào tạo, hợp tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, hợp tác nghiên cứu khoa học với các thành viên khác trong Mạng lưới và các đối tác khác ở trong và ngoài nước.

4. Được Mạng lưới hỗ trợ để tham gia vào việc trao đổi, chia sẻ các nguồn học liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với các thành viên khác trong Mạng lưới và các đối tác khác ở trong và ngoài nước.

 Điều 6. Nghĩa vụ của thành viên

Thành viên Mạng lưới có các nghĩa vụ sau đây:

1.Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và các quy định của Mạng lưới trong tổ chức, hoạt động.

2. Tích cực tham gia các hoạt động chung của Mạng lưới.

3.  Không thực hiện những hoạt động ngoài khuôn khổ kế hoạch được Mang lưới phê duyệt làm phương hại đến uy tín của Mạng lưới.

4. Đóng phí thành viên thường niên đầy đủ, đúng hạn theo quy định của Mạng lưới.

Điều 7. Các hình thức hoạt động

Mạng lưới hoạt động dưới các hình thức sau đây:

1. Hội nghị thường niên: Được tổ chức hàng năm với sự tham gia của đại diện các thành viên Mạng lưới để bàn về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Mạng lưới. Tại Hội nghị thường niên, Mạng lưới xem xét và thông qua kế hoạch hoạt động năm kế tiếp do Ban điều hành Mạng lưới trình.  Nghị quyết về các vấn đề  được đa số các thành viên Mạng lưới thông qua tại Hội nghị thường niên có giá trị ràng buộc đối với các thành viên Mạng lưới.

2. Các cuộc họp của Ban điều hành Mạng lưới: Được tổ chức để bàn bạc, quyết định các biện pháp triển khai tổ chức thực hiện hoạt động của Mạng lưới theo kế hoạch đã được thông qua và  các vấn đề được Mạng lưới ủy quyền cho Ban điều hành Mạng lưới. Ban điều hành Mạng lưới họp định kỳ 6 tháng/lần và có thể họp đột xuất theo đề nghị của các thành viên trong Ban.

3. Các hội nghị, hội thảo khoa học: Theo kế hoạch hoạt động năm, các hội nghị, hội thảo khoa học  của Mạng lưới được tổ chức nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi học thuật, đề xuất, kiến nghị chính sách, pháp luật liên quan. Trong trường hợp cần thiết, theo sáng kiến của thành viên Mạng lưới và được sự đồng ý của Ban điều hành Mạng lưới,hội nghị, hội thảo khoa học ngoài kế hoạch hoạt động năm có thể được cân nhắc tổ chức.

4. Các hoạt động hợp tác, trao đổi về đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các thành viên Mạng lưới dưới sự điều hành của Mạng lưới và các hình thức hoạt động khác do Hội nghị thường niên của Mạng lưới xem xét, quyết định.

Điều 8. Ban điều hành Mạng lưới

1. Hoạt động của Mạng lưới do Ban điều hành Mạng lưới chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

2. Ban điều hành Mạng lưới bao gồm các đại diện lãnh đạo của 07 cơ sở đào tạo luật, cụ thể là:

 Đại diện lãnh đạo của 05 cơ sở đào tạo luật: Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật - Đại học Huế và Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới do Hội nghị thường niên của Mạng lưới bầu ra trong số các thành viên nêu trên theo nhiệm kỳ 03 năm.

Tại Hội nghị thường niên, Mạng lưới cử luân phiên đại điện lãnh đạo của 02 cơ sở đào tạo luật khác là thành viên Mạng lưới tham gia vào Ban điều hành Mạng lưới và hoạt động cho đến thời điểm kết thúc Hội nghị thường niên của năm kế tiếp.

3. Ban điều hành Mạng lưới dưới sự điều phối của Chủ tịch, hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể, quyết định theo đa số có trách nhiệm xây dựng và trình kế hoạch hoạt động hàng năm của Mạng lưới, giúp Mạng lưới tổ chức thực hiện các hoạt động của Mạng lưới theo kế hoạch và được Mạng lưới ủy quyền quyết định một số vấn đề về tổ chức, hoạt động của Mạng lưới.

 

 

 

Điều 9. Tổ thư ký giúp việc

1. Tổ thư ký giúp việc được giao nhiệm vụ hỗ trợ Mạng lưới và Ban điều hành Mạng lưới triển khai thực hiện công việc.

2. Tổ thư ký giúp việc có tối thiểu 05 thành viên do Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới lựa chọn và quyết định thành lập.

3. Tổ thư ký giúp việc hoạt động theo chỉ đạo của Ban điều hành Mạng lưới có trách nhiệm hỗ trợ Ban điều hành Mạng lưới thực hiện các nhiệm vụ được giao, giúp Mạng lưới thực hiện công tác truyền thông và quản lý các hoạt động tài thu chi tài chính của Mạng lưới.

Điều 10.  Hoạt động truyền thông

Thông tin về công tác điều hành và hoạt động của Mạng lưới và Ban điều hành Mạng lưới được công khai trên trang thông tin điện tử của Mạng lưới do Tổ thư ký giúp việc thực hiện nhiệm vụ quản trị dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới. 

Điều 11. Phí thành viên thường niên, huy động tài trợ và nguyên tắc thu, chi tài chính

1. Mức phí thành viên thường niên do các thành viên Mạng lưới cân nhắc, quyết định tại Hội nghị thường niên tối thiểu là 2,000,000 (hai triệu) đồng /năm.

2. Mạng lưới hoan nghênh mọi thiện chí và sáng kiến hợp pháp của các thành viên Mạng lưới trong việc huy động các nguồn tài trợ cho hoạt động chung của Mạng lưới.

3. Khoản thu phí thành viên thường niên của Mạng lưới và các nguồn tài trợ được sử dụng để chi cho các hoạt động chung của Mạng lưới theo đúng các quy định của Mạng lưới và quy định chung của pháp luật. Tổ thư ký giúp việc  chịu trách nhiệm giúp Mạng lưới và Ban điều hành Mạng lưới quản lý các hoạt động thu chi tài chính của Mạng lưới và công khai báo cáo tài chính tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới.

Điều 12. Hiệu lực thi hành và sửa đổi, bổ sung Quy định

1.Quy định về tổ chức và hoạt động của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam được các thành viên Mạng lưới nhất trí thông qua tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới tổ chức tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 24 tháng 7 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới.

T/M Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam

Chủ tịch Ban điều hành Mạng lưới Nhiệm kỳ 2019-2021

 

 

TS. Chu Mạnh Hùng